Báo cáo Xu hướng Cuộc sống 2025: Thái độ và hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số

Trong kỷ nguyên số đang phát triển với tốc độ chóng mặt, các thương hiệu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới. Báo cáo Xu hướng Cuộc sống 2025 của Accenture đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về những thay đổi đáng kể trong hành vi và thái độ của người tiêu dùng, tác động trực tiếp đến chiến lược digital marketing của các doanh nghiệp. 5 xu hướng nổi bật được đề cập trong báo cáo cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ, đòi hỏi các thương hiệu phải thích ứng nhanh chóng để duy trì sự cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Chi phí của sự do dự: Niềm tin số đang bị lung lay

Sự tin tưởng của người tiêu dùng vào công nghệ số đang bị lung lay trước những lo ngại về tính xác thực thông tin và sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các nội dung không chính thống, các hình thức gian lận trực tuyến ngày càng tinh vi.
Theo khảo sát, 60% người dùng nhận thấy chất lượng trải nghiệm trực tuyến chưa được như kỳ vọng. Việc tiếp xúc với thông tin chưa được xác thực khiến họ thường xuyên đặt câu hỏi “Liệu nguồn tin này có đáng tin cậy?”. Bên cạnh đó, 48% người dùng cảm nhận áp lực mua sắm do sự xuất hiện dày đặc của quảng cáo thương mại mỗi khi truy cập Internet..
Sự tin tưởng đang đóng vai trò then chốt trong quyết định tương tác với thương hiệu của người tiêu dùng. Theo khảo sát, 62% người dùng coi yếu tố này là quan trọng nhất. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống để kiểm chứng uy tín như đánh giá trực tuyến đang kém hiệu quả hơn do vấn nạn giả mạo. Đồng thời, công nghệ deepfake ngày càng phổ biến cũng khiến người dùng lo lắng hơn về độ tin cậy của thông tin.
Để giữ vững niềm tin của người dùng, thương hiệu, nền tảng và doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng sự tin tưởng trong không gian số. Việc này đòi hỏi nỗ lực đầu tư vào các giải pháp quản lý nội dung, phát triển phương thức xác thực rõ ràng, và nâng cao ý thức trách nhiệm khi ứng dụng AI. Đây là những bước đi quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thúc đẩy sự phát triển tích cực của nền kinh tế số.

Cái bẫy từ cha mẹ: Thế hệ Z và Gen Alpha – Đối tượng cần chiến lược mới

Theo kết quả khảo sát, 56% người trẻ từ 18-24 tuổi cho rằng mạng xã hội có ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân. Song song với đó, nhận thức về tầm ảnh hưởng của công nghệ số đối với trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tăng, dẫn đến sự quan tâm và hành động tích cực từ phía phụ huynh và chính phủ. Điều này yêu cầu các thương hiệu cần xem xét lại chiến lược tiếp thị hướng đến đối tượng trẻ. Các quy định mới về tiếp cận, bảo vệ trẻ em trực tuyến và sự thay đổi hiệu quả của các kênh quảng cáo truyền thống đang thúc đẩy các thương hiệu điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp hơn.
Nếu tiếp cận giới trẻ là ưu tiên của thương hiệu, việc tìm hiểu các chiến lược ít phụ thuộc vào môi trường số/mạng xã hội sẽ rất quan trọng. Trong bối cảnh cha mẹ ngày càng đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát tiếp xúc của con với thông tin, các thương hiệu nên nghiên cứu cách đưa ra những đề xuất phù hợp và được phụ huynh đồng tình.

Nền kinh tế thiếu kiên nhẫn: Tốc độ và sự kết nối cá nhân

Trong thời đại số, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả và được cá nhân hóa. Họ tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ từ những người có chung trải nghiệm, thay vì chỉ dựa vào các nguồn thông tin truyền thống. Theo kết quả khảo sát, 63% người ở mọi độ tuổi tìm kiếm cách làm mọi thứ thông minh hơn trên mạng xã hội. Đồng thời, 68% sẵn sàng tương tác nhiều hơn với thương hiệu có blog và video mang tính giáo dục.
Để bắt kịp xu hướng này, các chuyên gia digital marketing cần tận dụng sức mạnh của dữ liệu và công nghệ để cải tiến quy trình phục vụ khách hàng. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phân tích hành vi khách hàng, đưa ra đề xuất phù hợp với từng cá nhân, và tự động hóa một số tác vụ sẽ giúp nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng cộng đồng trực tuyến năng động, khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm tích cực và tạo ra nội dung do người dùng tạo ra (UGC) sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết và niềm tin với thương hiệu.

Nhân phẩm trong công việc: Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp

Theo báo cáo của Accenture, 52% người lao động đánh giá cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, sự mất cân bằng hiện tại cùng với áp lực hiệu quả đang ảnh hưởng đến động lực của họ. Điều này không chỉ tác động đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng mà còn đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt khi chỉ 29% nhân viên tin rằng lãnh đạo công ty thực sự quan tâm đến lợi ích của họ.
Trong kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của AI, việc tái tạo năng lượng cho nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo. Thay vì chỉ nhấn mạnh vào việc “nâng cao năng suất” như 49% nhân viên thường xuyên nghe thấy, lãnh đạo cần nhận thức rõ về sự khác biệt giữa con người và công nghệ, thiết kế công việc một cách toàn diện, đề cao giá trị con người, chú trọng nâng cao giá trị khách hàng và phát triển nguồn nhân lực.
Quản trị sự thay đổi là nhiệm vụ thường xuyên của mọi doanh nghiệp. Xây dựng môi trường làm việc tích cực, trân trọng, khuyến khích sáng tạo và phát triển bản thân mỗi thành viên chính là chìa khóa để doanh nghiệp vững vàng tiến bước trong hành trình chuyển đổi số và chinh phục những thành công mới.

Tái lập kết nối xã hội: Sự trở lại của xu hướng trải nghiệm thực tế

Theo báo cáo của Accenture, 42% người được hỏi cho biết trải nghiệm thú vị nhất của họ trong tuần trước là hoạt động thực tế, trong khi chỉ 15% chọn trải nghiệm kỹ thuật số, điều này cho thấy xu hướng ngày càng trân trọng niềm vui khi tạm rời xa công nghệ, với 38% đánh giá cao “niềm vui của sự bỏ lỡ” (joy of missing out) những hoạt động trực tuyến. Bên cạnh đó, 65% khẳng định họ chủ động kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của mình. Kết quả này cho thấy, phần lớn người tham gia khảo sát hướng đến những trải nghiệm thực tế, kết nối xã hội chân thực và các hoạt động ngoài trời.
Trong bối cảnh số hóa, tìm kiếm phương thức phi kỹ thuật số để kết nối chân thành với khách hàng có thể là yếu tố khác biệt then chốt. Tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm trực tiếp sẽ tạo cơ hội cho khách hàng tương tác trực tiếp với thương hiệu và trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ. Một số thương hiệu còn có thể hưởng lợi từ xu hướng thẩm mỹ gần gũi thiên nhiên. Nắm bắt những xu hướng này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội chinh phục trái tim khách hàng và xây dựng mối liên kết bền chặt, sâu sắc hơn.

Kết luận:

Báo cáo Xu hướng Cuộc sống 2025 của Accenture đã chỉ ra những thách thức và cơ hội đáng kể cho các thương hiệu trong kỷ nguyên số. Để thích ứng và thành công, các chuyên gia digital marketing cần linh hoạt, sáng tạo và tập trung vào việc xây dựng niềm tin, tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc, đồng thời chú trọng đến yếu tố con người trong mọi hoạt động. Thông qua việc kết hợp chiến lược trực tuyến và ngoại tuyến, tận dụng sức mạnh của công nghệ và dữ liệu, cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, các thương hiệu sẽ có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Media Gyancy hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao cơ hội phát triển bền vững trong kỷ nguyên số đầy biến động.
>> Đọc chi tiết báo cáo tại: Accenture Life Trends 2025